Bạn hãy thử nghĩ xem, đi du học phải chuẩn bị từ cái bàn chải đến bát cơm, đến tấm áo. Có cậu bạn tôi "cứ tưởng" sang châu Âu ăn uống thoải mái, cuối cùng sang ăn được đồ tây 1 tháng là phải tức tốc gọi người thân chuyển 20kg gạo sang. Có bạn khác lại "cứ tưởng" sang nước nào cũng nói tiếng Anh, chỉ học tiếng địa phương "bập bẹ", cuối cùng sang di dí ở nhà vì không nói không nghe được người ta nói gì với nhau. Kể xấu về mình mà cứ nghĩ tốt, ra ngoài đường là hềnh hệch cười Có bạn thì sang đấy nghĩ là đi làm thêm kiếm tiền được, ai ngờ sang đấy việc xịn người ta làm hết rồi, mình chỉ còn chân bồi bàn làm 12h một ngày với mức lương còm 3 USD 1 giờ. Làm hộc bơ 1 tháng trời từ sáng đến tối mà vẫn chẳng đủ tiền sinh hoạt. Có bạn sang Đức mơ 2 năm học xong cầm bằng đỏ ra trường. Ai ngờ học hành khó theo bạn bè, thi toàn trượt, nhờ bạn bè Tây giúp mà chẳng hiểu mô tê gì, hết 2 năm ko pass được ½ số môn, phải đi kiếm tiền lo cuộc sống, đến nỗi 6 - 7 năm chưa ra nổi trường. Rõ ràng, nếu phụ huynh, học sinh không có những nhận thức đúng đắn sẽ dẫn đến những hệ quả đáng tiếc bởi lẽ du học không phải con đường dành cho những kẻ thiếu bản lĩnh và không có kế hoạch. Để đạt tới tồn tại (xin phép tôi chưa dám bàn đến thành công), chúng ta phải vượt qua rất nhiều rào cản và đương nhiên để vững bước trên con đường du học, những thác thức là thứ mà chúng ta phải chấp nhận, đối mặt và vượt qua.

Thách thức ngôn ngữ

Ngôn ngữ chưa bao giờ là thử thách đơn giản với học sinh, sinh viên muốn đi du học hay thậm chí cả du học sinh. Khi ra nước ngoài học tập, ngôn ngữ không chỉ là phương tiện giao tiếp trong đời sống mà còn được sử dụng để tiếp thu các kiến thức trên lớp vì vậy chỉ khi thành thạo ngôn ngữ, bạn mới có thể làm chủ được cuộc sống cũng như kiến thức. Nhiều người cho rằng, việc học ngôn ngữ không quá nặng nề và mọi thứ sẽ ổn khi họ vứt một đống tiền vào việc học một khóa ngôn ngữ dự bị trước khi vào học chính thức. Tuy nhiên, rất nhiều du học sinh chia sẻ rằng mặc dù đã có một nền tảng tiếng anh chắc chắn trong nước và bằng tiếng anh IELTS, TOEFL,… ,họ vẫn bị "khớp" ngay trong giai đoạn đầu tiên của quá trình học tập với lý do chủ yếu là ngôn ngữ. Việc bị "khớp" này khiến nhiều du học sinh cảm thấy tự ti, khó hòa nhập trong môi trường mới. Đây cũng là lý do khiến họ bị rơi vào trạng thái bế tắc thậm chí là trầm cảm. Hay như anh bạn thân tôi, tin vào vốn tiếng Anh lắm, bảo là đi đâu cũng được chỉ cần có tiếng Anh. Nhưng sang đến Đức nói tiếng Anh chẳng ai nói chuyện cùng, "Tôi hiểu mọi điều cậu nói, nhưng xin lỗi, chúng tôi không thích nói tiếng Anh"

Thách thức tài chính

Tiền bạc là một vấn đề quan trọng khi bàn đến du học bởi nếu như không có một nên tảng kinh tế vững cũng như một kế hoạch chi tiêu hợp lý, du học sinh rất dễ rơi vào khó khăn và ảnh hưởng tới việc học.

Với Canada, một quốc gia đang có rất nhiều chính sách ưu tiên cho sinh viên quốc tế cũng như chi phí học tập hay sinh hoạt không ở mức quá đắt đỏ thì mức học phí trung bình với sinh viên quốc tế rơi vào khoảng 15000- 40000 đô la Canada/ năm cho chương trình thạc sĩ tùy vào ngành học và chi phí sinh hoạt 7000- 15000 đô/ năm. Đây là con số khá lớn với đại đa số sinh viên Việt Nam và cũng trở thành một rào cản đáng kể trên con đường chạm tay tới ước mơ du học. Trên thực tế, ngoài một số sinh viên gia đình có điều kiện chu cấp toàn bộ chi phí, nhiều sinh viên còn lại phải trải qua một cuộc sống khá vất vả để làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống. Trong nước, bố mẹ họ luôn tự hào rằng "Con tôi đi Pháp, đi Đức, …" với những suy nghĩ về một cuộc sống tốt đẹp, nhưng ở bên này, họ phải làm đủ mọi nghê vất vả ngoài việc học tập trên lớp. Đây cũng là lý do khiến nhiều du học sinh phải kéo dài thời gian học của mình gấp rưỡi thậm chí gấp đôi do thi trượt và không qua môn. Một điều bất hủ mà các bạn du học sinh đều gặp phải, ở nước ngoài có 2 đợt sales rất lớn, nhìn đã hoa mắt. Nếu không sẵn sàng và chuẩn bị trước, thì 1 tuần bạn lỡ tiêu mất sinh hoạt phí của .. 2 tháng là chuyện quá đỗi bình thường. Và bạn có biết, bạn gửi tiền ngân hàng ở châu Âu, không những không được trả tiền lãi suất, mà bạn còn phải trả cho ngân hàng 1 khoản để "giữ hộ bạn", khi bạn vượt quá số tuổi cho phép không mất phí (ví dụ trên 30). Cực cực nhiều các khoản tiền không tên nữa, như không dọn dẹp phòng bị quản lý KTX kiểm tra bất chợt: phạt; đi "lậu" vé tàu xe: phạt; rơi chìa khóa nhà: phạt... Nếu bạn đã xác định sang bển chỉ để học, nhanh rồi về, thì cần có kế hoạch chi tiêu rõ ràng. Nếu bạn xác định sang bển vừa học vừa làm: không dễ dàng đâu nhé. Còn bạn xác định sang mấy tháng đầu cứ thả ga, mấy tháng sau thắt chặt chi tiểu: thì chào thân ái và quyết thắng

Thách thức văn hóa

Mỗi một đất nước sẽ có một nền văn hóa riêng biệt và sự khác biệt ấy lại càng rõ ràng giữa phương Đông và phương Tây. Chính vì thế mà nhiều du học sinh cảm thấy ngợp trước một nền văn hóa hoàn toàn xa lạ hay mọi người còn gọi là "sốc văn hóa". Nhiều du học sinh thấy bối rối khi bắt đầu một cuộc sống mới nơi xứ người với những khác biệt lớn về văn hóa. Họ cảm thấy xa lạ với nhiều thứ từ cách giao tiếp, nói chuyện đến các sinh hoạt hằng ngày, từ những điều tưởng như đơn giản như ăn không có đũa đến cách đưa ra ý kiến trong một buổi thảo luận trong lớp. Từ đây những tình huống khôi hài nảy sinh với ánh nhìn kì thị của những sinh viên khác và những người xung quanh. Nhiều người cảm thấy bị cô lập, nhớ nhà và nản chí vì cảm thấy nơi đây hoàn toàn không thuộc về mình. Tôi còn nhớ, hồi đi học thấy các bạn nước ngoài cứ thứ 7 - CN là đi chơi hết, ra công viên, đi bộ, chăm con,... trong khi mấy tuần đầu mình đi chơi hết trong tuần, cuối tuần đành ở nhà. Các bạn Tây thì hay có nhạc hội ở khu trung tâm từ sáng đến tối mịt thứ 7, nếu không quen nếp, bạn có thể chọn ra ngoài chơi tự kỷ hoặc ở nhà 1 mình nhìn đêm xuống. Người phương Tây có thể nhanh chóng kết thân với nhau trong 1 buổi tiệc, nhưng người Á Đông mình thì khó khăn hơn rất nhiều. Họ cũng thường hay ăn chơi đến tối mịt, sáng ngủ dậy rất muộn, dùng toilet rất lâu và thực tế là "ở rất bẩn". Nếu bạn không chuẩn bị tâm lý sẵn sàng trước khi vào KTX, bạn thường xuyên phải đi dọn dẹp bếp hay nhà tắm cho cả 2 đứa đấy.

Thách thức từ bản thân

Nỗi nhớ nhà thường trực là vấn đề mà mọi du học sinh đều gặp phải. Khi vui vẻ, chơi đùa cùng bạn bè, có lẽ đây không phải là một vấn đề quá quan trọng. Nhưng trong hoàn cảnh đất khách quê người, với vô vàn những vấn đề thì có lẽ gia đình, quê hương là nơi du học sinh nghĩ về nhiều nhất. Thử tưởng tượng trong lúc bị bệnh phải phải bệnh viện, gặp mấy ông bác sĩ nói abc gì không hiểu, đau bệnh ở đâu cũng chả biết nói sao thì có lẽ điều muốn nhất lúc đó là có một người thân bên cạnh. Ngày nay mặc dù đã có rất nhiều các cách để kết nối gia đình, bạn bè song khoảng cách địa lý vẫn khiến nhiều du học sinh chùn bước. vo-mong-khi-di-du-hoc3 Ngoài ra, nhiều du học sinh cũng gặp trở ngại về cách học tập cách sống. Phần lớn học sinh, sinh viên Việt Nam phụ thuộc nhiều vào gia đình , đây là một trở ngại lớn khi phải tự lập ở một nơi có rất nhiều khác biệt và khó khăn. Thêm vào đó, thói quen học thụ động lười phát biểu ý kiến cũng là một yếu thế của sinh viên Việt Nam trong quá trình học tập trên giảng đường biến sinh viên Việt Nam trở thành "những con người thầm lặng" trong mắt sinh viên quốc tế. Đây là bốn thách thức lớn nhất mà sinh viên Việt Nam phải vượt qua để thành công. Như đã nói ở trên, con dường du học không dành cho những kẻ thiếu bản lĩnh. Vượt qua được những thử thách trên không chỉ tạo điều kiện cho việc lĩnh hội kiến thức mà còn bồi đắp thêm bản lĩnh, tinh thần cũng như sự thay đổi trong tư duy và nhận thức. Bạn đi học với những mục đích, những mục tiêu khác nhau, và có các cách để vừa học, vừa sống, vừa làm; nhưng dù thế nào cũng đừng để cuộc sống của mình đi lệch hướng, hay là suốt ngày biện minh: "Tôi tưởng"... nhé. Hãy sẵn sàng để thời gian đi học là một trong những ký ức đẹp nhất cuộc đời mình. Trong phần 2, chúng tôi sẽ mang đến những giải pháp để giải quyết những thách thức kể trên một cách hiệu quả và hợp lý

Tác giả: Trung Hòa -------------------------------------------------

Bên trên là một số kinh nghiệm của mình , theo series mình sẽ chia sẻ dần những nội dung liên quan. Bạn nào quan tâm tới du học EU, mà muốn có định hướng rõ ràng, lên kế hoạch và triển khai cụ thể, cả về nghề nghiệp và ngành học thì book mình nhé. Đừng du học khi chưa có một định hướng rõ ràng.